Từ Bỏ “Không thể hoà hoãn với trần tục” Khi còn phải ở ngoài đời, tôi bị bó buộc theo cách sống của nơi mình ở, và Têrêsa rất đau khổ về chuyện này, nhất là ngày kia tôi phải dự một cuộc dạ hội khiêu vũ. Chị bảo Chị đã khóc và chưa bao giờ Chị khóc nhiều như thế. Rồi Chị xin tôi đến phòng khách để Chị dặn dò. Tôi cho là Chị có vẻ khắt khe quá vì không nên làm trò cười cho người đời. Chị liền tỏ vẻ bất bình nói giọng cứng rắn: “Ồ! Chị Céline ơi, chị hãy xem thái độ của ba trẻ em Do Thái, thà chịu ném vào hoả lò chứ không chịu quỳ gối trước tượng đúc bằng vàng bạc. Còn chị, chị là Hôn Thê của Chúa Giêsu mà chị lại chịu hoà hoãn với trần tục, thờ lạy ngẫu tượng thế gian trong việc buông theo những thú vui nguy hiểm hay sao? Xin chị nhớ lại những điều em nói với chị do Chúa chúng ta, chị hãy xem Chúa đã thưởng công lòng trung tín của các đầy tớ Ngài ra sao, và chị hãy cố gắng bắt chước những đầy tớ trung tín đó”. Tôi liền quyết định không khiêu vũ nữa, nhưng không biết làm thế nào để tránh được, nên tôi mang trong túi áo một tượng chuộc tội lớn và đọc kinh thật sốt sắng. Buổi dạ hội sắp kết thúc, và tôi đã quyết liệt từ chối tất cả những lời mời tha thiết khiêu vũ, đến nỗi làm một số người bất mãn. Nhưng rồi chẳng hiểu sao một chàng thanh niên tới dìu tôi. Song tôi không thể nhảy được lấy một bước, điều đó thật lạ! Cứ một lần điệu nhạc lặp lại, là người thanh niên đáng thương lại cố gắng đưa người tới, còn tôi dù khó nhọc mấy cũng vô ích. Cuối cùng, chàng thẹn đỏ mặt bỏ đi, sau khi đã dìu tôi nhảy vài bước rất đạo đức. Còn tôi, không ngượng ngập bối rối. Trở lại chỗ, tôi hài lòng lắm và đến ngồi bên các bà không dự khiêu vũ. Tôi khoan khoái mỉm cười với cuộc mạo hiểm vừa qua.
Làm theo ý mình bằng cách không thi hành nó Sau khi vào Dòng được mấy tháng, thấy đời tu có phần nào khắc khổ đối với bản tính tự nhiên, tôi liền được Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu khích lệ: “Chị than phiền là không làm theo ý mình được, em thấy không đúng. Tuy hằng ngày chị không theo ý mình trong những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng chẳng phải chính chị đã chọn cuộc sống này sao? Nên chị đã làm theo ý mình bằng cách không thi hành nó, vì chị đã biết rõ phải làm gì khi vào Dòng Kín rồi. Ý nghĩ ngay việc ngắt một bông hoa cũng không được, làm tôi thấy thật nặng nề, nước mắt giàn trên mi. Hôm đó là Chúa nhật. Trở về phòng, để tự yên ủi, tôi muốn sáng tác một bài thơ diễn tả tất cả những gì tôi yêu thích cũng như tôi thấy trong Chúa Giêsu. Song tôi chỉ viết được có dòng cuối cùng này: “bông hoa con xin hái, Ôi Vua Chí ái Là chính Chúa!”. Tôi thổ lộ mọi phiền muộn với Têrêsa. Chị đã không nói gì hết. Nhưng vài ngày sau Chị trao cho tôi một bài thơ nhan đề là “Thánh ca của Céline”. Về sau bài này được xuất bản dưới nhan đề “Điều tôi yêu”. Mỗi hàng trong bài này đều rạng tỏ tinh thần Chị siêu thoát mọi vật trần thế với lòng hy vọng thẳm sâu.
Những gương từ bỏ Tôi kể ra đây những tấm gương đó vì tôi đã chứng kiến, hay vì chị đã tâm sự với tôi để khuyến khích tôi can đảm hy sinh. Một hôm trong giờ chơi, Mẹ chúng tôi đọc một lá thư có liên quan tới Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà chị lại vắng mặt, nên Chị xin tôi đưa chị coi. Tôi liền xin phép và trao cho Chị. Mấy ngày sau tôi cần thư đó, khi Chị trả lại, tôi hỏi Chị xem có thấy thú vị không, Chị đành phải nhận là chưa đọc. Tôi lại đưa để Chị coi, nhưng vô ích vì Chị không hề mở thư ra. Trong mọi việc Chị đều hãm dẹp những ước muốn dầu là rất vô tội như thế. Riêng trường hợp này, Chị muốn phạt mình vì đã xin tôi cho xem thư. Chị không hề nghe ngóng tin tức. Nếu thấy chị em vây quanh Mẹ Bề trên có dáng để săn tin, Chị liền tránh không đi lối đó nữa. Ngày 14.7.1894 là ngày tôi nhập Dòng, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu sung sướng lắm khi thấy ý muốn thiết tha của mình được thực hiện, vì từ nay chính Chị có thể dạy bảo, hướng dẫn tôi nên thánh theo “Con Đường Thơ Ấu” của Chị. Khi chị Marie de l’Eucharistie 99 vào Dòng, lúc cộng đoàn ra đón chị ở cửa Tu viện thì Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhập bọn với các chị em trẻ nhất và đứng xa xa. Một chị bảo: “Tiến lên một chút đi! Để Chị được thấy gia đình khi cửa mở” 100, nhưng Chị cứ đứng nguyên không nhúc nhích. Nên lưu ý thêm là phòng khách Tu viện đang trong thời kỳ kiến thiết nên cả năm trời chúng tôi không gặp thân quyến. Sau này vì tôi trách chỉ thiếu mình Chị trong cuộc gặp gỡ trên, nên Chị trả lời là làm như vậy để hãm mình. Chị còn nói việc hy sinh đó đối với Chị thật đắt giá! Trong giờ suy nguyện hay trong những dịp khác, Chị rất muốn nhìn xem đã mấy giờ. Nhưng Chị luôn hãm mình và nhẫn nại chờ đồng hồ điểm, Chị tự nhủ: Với lòng kiên nhẫn như thiên thần, với tinh thần hy sinh, Chị đã vui chịu sự săn sóc thái quá của chị trưởng Bàn xoay 101. Chị đã cao niên, rất chậm chạp lại kỳ quặc nữa. Chị băng bó tay cho Têrêsa khi bị nứt nẻ trong mùa đông, nhưng chị quấn chặt từng ngón tay trong hằng đống băng! Ngày kia, chị chỉ để hở có đốt cuối cùng của ngón tay út, nhưng rồi cũng lại băng kín như các ngón khác. Trong khi tôi sững sờ ngạc nhiên thì Chị Têrêsa chỉ cười! Trong khi Chị bệnh, người ta đem cho chúng tôi hộp kẹo hạnh nhân, thứ hộp thật mỹ thuật nên chúng tôi tấm tắc trước mặt Chị, rồi đặt trên bàn gần giường Chị, nhưng quên không chỉ cho Chị hộp kẹo đó: Chị cẩn thận để chẳng hề nhắc tới!
Hy sinh Người em yêu quý của tôi thổ lộ với tôi: vì muốn khuyến khích một chị bạn hồi còn ở nhà tập tiến đức, Chị đã giả vờ như chính Chị cũng cần được chỉ dẫn hằng ngày về công việc phải làm để nên hoàn thiện. Mỗi ngày Chúa Giêsu Bé Thơ nhận được một món quà riêng biệt, khi thì hoa quả, lúc lại quần áo. Có khi để Chúa thưởng thức những điệu nhạc du dương với nhạc khí luôn thay đổi. Phương pháp này thật trái nghịch với bản tính Chị vốn thích đơn sơ, nhưng Chị đã khéo áp dụng tới nỗi chị bạn cứ tưởng những khích lệ trên thật cần thiết cho Chị. Khi mới vào Dòng, chúng tôi đi ngang qua vườn bên cạnh cây nho, tôi hái những trái ‘nho tơ’ đưa cho Chị, một thứ chúng tôi rất ưa mút hồi còn nhỏ, nhưng Chị từ chối bảo rằng trong Dòng Kín Chị tự cấm mình không được hưởng sự thích thú đó, một thứ thích thú gợi lại biết bao kỷ niệm êm đềm hồi thơ ấu. Lần khác, nhân ngày lễ, tôi lại nài ép Chị ăn, nhưng vô ích! Chị trả lời:
Cái nhìn khoan đại trong việc hãm mình phạt xác Tôi đã có dịp chứng kiến lòng rộng rãi của Chị, không làm ngăn trở một thỉnh sinh được giải trí, mà chị biết việc giải trí này có thể hữu ích cho em. Khi tôi mới vào Dòng, Chị chỉ cho tôi thấy qua cửa sổ phòng tôi, có thể trông rõ đường rầy xe lửa ở đàng xa, nằm giữa khoảng cách hai ngôi nhà. Chị bảo: “Chị sẽ vừa ý vì được ngắm xe lửa đi qua…”. Chị không hề có một lời ám chỉ để tôi hy sinh cái thú vui vô tội đó, nhưng Chúa đã an bài để người ta cất thêm ngôi nhà mới và con đường xe lửa cũng bị che khuất luôn! Chị Têrêsa không tìm những việc hãm mình phạt xác kỳ lạ. Chị cũng không quá nghiêm khắc với những giải trí được phép. Trong vấn đề này cũng như những vấn đề khác, Chị cư xử cách đơn sơ và dâng lời chúc tụng Chúa trong những kỳ công của Ngài. Chính với tinh thần đó mà Chị thích vuốt những trái cây nhất là trái hạnh đào. Chị chiêm ngưỡng làn vỏ mịn màng như nhung của nó và Chị thích phân biệt những mùi thơm giữa các loại hoa khác nhau. Nhưng nếu Chị thấy vui thích theo tính tự nhiên ngay trong những việc vô tội, thì Chị cũng ngừng lại ngay. Chị rất trung thành giữ điều này, vì suốt đời cho đến ngày nhắm mắt, Chị chỉ phải hối hận về một lần trong một khoảnh khắc mà thôi, đó là lần Chị thấy thích thú vì ngửi lọ nước hoa (Eau de Cologne) người ta cho trong lúc đi đường.
Những Dụng Cụ Đền Tội Trước khi vào Dòng, Têrêsa không hề dùng dụng cụ đền tội như trong Dòng. Sau này khi đã là Nữ tu Dòng Kín, Chị rất trung thành với kỷ luật Dòng, cũng như bao lâu được phép, thì ngoài những dụng cụ đền tội theo thói quen trong Dòng, Chị còn mang thêm nữa. Phần tôi, tôi thấy khi mang những dụng cụ đó cũng như khi đánh tội, tự nhiên người ta tránh sao cho bớt đau đớn. Tôi giãi bày những cảm nghĩ trên với Têrêsa thì Chị kêu lên: “A! Em không làm như thế! Không tội gì phải làm việc nửa chừng. Em đánh tội là có ý phạt xác và muốn càng đau càng hay”. Chị thú nhận với tôi rằng có lần chảy cả nước mắt nhưng Chị cố gắng tươi cười để nét mặt diễn tả được tâm tình bên trong: Đó là tâm tình sung sướng được kết hợp với Chúa Giêsu Người yêu của Chị trong Đau khổ, để nhờ đó Chị cứu được nhiều linh hồn cho Chúa. Dầu vậy, Chị nhận thấy người mang nhiều dụng cụ làm trầy da rướm máu, chưa chắc là người hoàn hảo nhất, và lòng tự ái ngấm ngầm hình như chính là của ăn nuôi dưỡng sự hãm mình phạt xác thái quá. Đối với Chị, điều đó không phải là ít nguy hiểm102. Chị nói với chúng tôi rằng những hy sinh hãm mình về thể xác sẽ là không nếu đem so với lòng bác ái. Vào những tháng cuối cùng đời Chị, tôi mới biết một chi tiết này là khi Chị còn ở Nhà tập, một chị trong chúng tôi vì muốn giúp Têrêsa ghim lúp đội đầu, đã vô tình đâm chiếc ghim lớn vào vai Chị, thế mà Chị đã vui vẻ chịu đau đớn đó trong nhiều giờ.
86 Lc 6,30 87 Mt 5,41 88 Vì Chị Têrêsa là người rất hãm mình, nên ở đây Chị chỉ có ý nói tới những người bệnh nặng, vì hơn bất cứ ai khác, Chị đã coi như nói với riêng Chị lời sau đây của Thánh Têrêsa Cả: “Người ta không được quấy rầy các chị y tá khi bệnh không đến nỗi nặng lắm”. 89 Ba năm sau khi khấn thì hết thời gian nhà tập, các tập tu được đồng hàng với các chị em khác và không giữ cũng một quy chế như các chị em Nhà tập nữa. Theo quy chế thì các chị Nhà tập cần xin phép mỗi tuần một lần, còn các chị em khác mỗi tháng một lần. Chị Têrêsa đã khấn được hơn ba năm và tuy giữ nhiệm vụ coi Nhà tập, nhưng không buộc giữ luật này. Thế mà Chị đã tuân hành cách rất chu đáo. 90 Ta sẽ quên mất tinh thần tự do thánh thiện của con cái Chúa, một tinh thần đã phấn khích Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu, nếu ta biến câu: “đừng cho mình được tự do chút nào” thành một định lý hiển nhiên, áp dụng cho mọi người và trong mọi hoàn cảnh: vì ở một trường hợp đặc biệt, đây có ý nêu lên đức tính trung thành nơi các nữ tu Dòng Carmêlô cẩn mật chu đáo những luật lệ đơn mọn trong đời sống tu trì. 91 Lc 6,30 92 Mt 25,14 93 Một loại đồng hồ bằng cát chỉ giờ của các nữ tu Dòng Kín. 94 Đối với những ai không thấy chán ngán việc ăn uống, dĩ nhiên Chị Thánh sẽ nói với họ như đã nói với chị Marie du Sacré Coeur, khi chị ngỡ ngàng trước lòng khát vọng lớn lao muốn được tử đạo của Chị Têrêsa: “Trong tâm hồn bé mọn em, điều đó sẽ không làm Chúa vui lòng chút nào cả, điều làm Chúa vui lòng chính là việc Ngài thấy em yêu sự bé mọn, sự nghèo nàn nơi em. Là niềm hy vọng đến như mù quáng, em tín thác nơi lượng khoan dung của Ngài”. Chán ngán ăn uống, ước muốn tử đạo là những tâm tình đặc biệt nơi Thánh Nữ, nhưng chúng không liên hệ gì tới Con Đường Thơ Ấu Thánh Nữ có nhiệm vụ giảng dạy. 95 Trên đây là những lời Chị khuyên một chị Nhà tập không có nhiệm vụ phải lo tới một việc bên goài nọ, và Chị khuyên như vậy là để đào tạo đời sống tu trì. Nên các tâm hồn không thể nào theo sát từng chữ được. Với một chị Nhà tập khác còn non yếu chưa đạt tới đích, tới sự hoàn thiện, thì Chị khuyên hãy tập cẩn thận làm mọi việc vì lòng mến Chúa. 96 Một chị cao niên không muốn chụp nên tự nguyện mở và đóng ống kính khi máy ảnh đã được sửa soạn sẵn sàng. 97 Jn 14,2 98 Công thức đọc trước khi khấn theo thói quen hồi đó. 99 Em họ, tên thật là Marie Guérin. 100 Nhìn qua chiếc lúp lớn, các nữ tu mang trên đầu phủ qua mặt. 101 Thứ bàn đặc biệt trong Dòng Kín, có thể xoay tròn, dùng làm phương tiện trao đổi đồ vật từ ngoài vào hay từ trong ra mà không thấy mặt nhau. 02 Chị thánh bị bệnh vì đã mang lâu ngày một thánh giá nhỏ bằng sắt nên rất am tường việc này. Mẹ Agnès de Jésus làm chứng trong vụ điều tra phong thánh rằng: “Trong thời gian tĩnh dưỡng sau khi mắc bệnh, Chúa đã cho Chị hiểu: nếu chỉ một chút như vậy Chị đã mắc bệnh thì là dấu chứng tỏ đây không phải con đường Chị đi, cũng không phải con đường của những “tâm hồn bé nhỏ” muốn theo đường thơ ấu của Chị, vì đường này không có gì đi ra ngoài lề lối thông thường cả” (x. Sum. & 630). Xin coi thêm trong Những lời sau hết, ngày 3.8.1897, việc Chị lưu ý “Mẹ nhỏ” của Chị (Pauline) cần thận trọng trong những việc hãm mình phạt xác thái quá (Novissima Verba, p. 110 - Bản tiếng Việt của Trần Nguyên, tr. 98). |